Bệnh tiểu đường và con của quý vị: Xét nghiệm và vắc-xin
Chăm sóc bệnh tiểu đường của con quý vị hàng ngày giúp trẻ khỏe mạnh. Việc này cũng làm giảm nguy cơ xảy ra vấn đề với trẻ trong cuộc sống sau này. Nhưng hầu hết trẻ em bị tiểu đường đều cần thăm khám với nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe để kiểm tra ít nhất 4 lần một năm. Con quý vị sẽ cần làm một số xét nghiệm. Những xét nghiệm này sẽ giúp cho biết chương trình điều trị của trẻ có hiệu quả không. Nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe cũng sẽ cập nhật mũi tiêm (vắc-xin) cần thiết cho con quý vị.
Các xét nghiệm
Đây là những xét nghiệm phổ biến nhất mà trẻ bị tiểu đường sẽ cần. Những xét nghiệm này nên được thực hiện theo tần suất ghi bên dưới, trừ khi nhóm chăm sóc sức khỏe tư vấn khác:
-
Chiều cao và cân nặng (mỗi lần thăm khám). Kiểm tra sự phát triển của trẻ sẽ cho quý vị biết sức khỏe tổng thể của trẻ có tốt không.
-
Huyết áp (mỗi lần thăm khám). Việc kiểm tra huyết áp thường được dùng để theo dõi sức khỏe tim và mạch máu của trẻ.
-
A1C (3 tháng một lần). Xét nghiệm này đo mức đường huyết trung bình của con quý vị trong vài tháng qua.
-
Xét nghiệm albumin nước tiểu và tỉ lệ albumin/creatinine (ACR) (mỗi năm 1 lần). Xét nghiệm này cho biết thận của con quý vị có đang làm việc tốt không.
-
Lipid (1 - 2 năm một lần). Xét nghiệm này sẽ kiểm tra chất béo trong máu (mức lipid) để kiểm tra sức khỏe mạch máu.
-
Chức năng tuyến giáp (1 năm một lần). Xét nghiệm này kiểm tra mức hóc-môn tuyến giáp của con quý vị, đây là chất giúp cho sự phát triển của trẻ. Những người bị tiểu đường dễ có khả năng mất khả năng sản sinh hóc-môn tuyến giáp hơn.
-
Bệnh celiac (1 lần một năm, nếu cần). Xét nghiệm này kiểm tra về kháng thể. Kháng thể có thể có nghĩa là hệ tiêu hóa của con quý vị không làm việc hiệu quả bởi dị ứng với gluten trong lúa mì. Khoảng 10% những người bị bệnh tiểu đường tuýp 1 mắc bệnh celiac.
-
Khám mắt có nhỏ thuốc giãn đồng tử (lần đầu, 5 năm sau chẩn đoán). Nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe của con quý vị có thể tư vấn làm xét nghiệm sớm hơn hoặc thường xuyên hơn. Khám mắt để xem có tổn thương các mạch máu trong mắt (bệnh màng lưới) không.
-
Bàn chân (mỗi lần thăm khám). Bàn chân được kiểm tra để xem có các vùng chịu áp lực, chấn thương hoặc chỗ đau không.
Vắc-xin
Con quý vị cần được tiêm vắc-xin dưới đây. Đây là những vắc-xin bổ sung cho những vắc-xin thường quy thời thơ ấu được khuyến nghị:
-
Vắc-xin cúm (1 lần một năm). Đây còn được gọi là mũi tiêm cúm. Việc bị cúm có thể khiến khó khăn hơn trong việc duy trì mức đường huyết của bé ở mức có lợi cho sức khỏe.
-
Viêm phổi (ít nhất 1 lần, sau đó thì khi cần). Viêm phổi có thể là vấn đề nghiêm trọng đối với trẻ em mắc bệnh tiểu đường. Hỏi nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của con quý vị xem trẻ cần tiêm vắc-xin này bao lâu một lần.
Khám nha sĩ
Con quý vị cần khám nha sĩ ít nhất 2 lần mỗi năm. Lý do là đường huyết cao có thể gây hại cho răng và nướu của trẻ theo thời gian. Chăm sóc răng miệng tại nhà kém cũng có thể làm tăng đường huyết. Đảm bảo rằng con quý vị đánh răng và làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa ít nhất 2 lần mỗi ngày. Nói với bất kỳ ai thao tác trên răng của con quý vị rằng trẻ bị tiểu đường.
Nơi tìm hiểu thêm
Để biết thêm thông tin về bệnh tiểu đường, hãy truy cập các trang web sau:
-
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ www.diabetes.org
-
Trẻ em bị Bệnh tiểu đường www.childrenwithdiabetes.com
-
Tổ chức nghiên cứu bệnh tiểu đường vị thành niên www.jdrf.org
-
Hiệp hội các Nhà giáo dục Bệnh tiểu đường Hoa Kỳ www.aadenet.org
-
Hiệp hội các Nhà nội tiết Lâm sàng Hoa Kỳ www.aace.com
-
Hiệp hội Nội tiết www.endocrine.org/topics/diabetes
-
Tổ chức thông tin tiểu đường quốc gia www.diabetes.niddk.nih.gov
Tờ thông tin này không cung cấp tất cả thông tin quý vị cần để chăm sóc con quý vị bị bệnh tiểu đường. Hỏi nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe của con quý vị để biết thêm thông tin.
Online Medical Reviewer:
Marianne Fraser MSN RN
Online Medical Reviewer:
Raymond Kent Turley BSN MSN RN
Online Medical Reviewer:
Robert Hurd MD
Date Last Reviewed:
2/1/2022
© 2000-2025 The StayWell Company, LLC. Tất cả các quyền được bảo lưu. Thông tin này không nhằm thay thế cho dịch vụ chăm sóc y tế mang tính chuyên môn. Cần luôn tuân theo sự chỉ dẫn từ chuyên gia chăm sóc sức khoẻ của quý vị.